Khi mới nhập cuộc bộ môn nhiếp ảnh này, hẳn rất nhiều người sẽ bỡ ngỡ và tự hỏi trong đầu rằng liệu nên trang bị thế nào cũng như luyện tập thế nào để chụp ảnh được tốt. Dưới đây là một số lời khuyên được tổng hợp lại, hy vọng sẽ gỡ rối phần nào cho các bạn mới tập chơi cũng như tự tin hơn trong việc chụp ảnh.
1. Đừng mua sắm quá nhiều thiết bị đắt tiền ở thời điểm khởi đầu
Việc cho ra những tấm ảnh tốt hoàn toàn khả thi với một chiếc máy DLSR dòng bình dân hoặc thậm chí cả những máy compact nhỏ gọn. Vì thế đừng tốn quá nhiều tiền bạc vào những phụ kiện đắt tiền, thay vào đó hãy tập làm quen chụp ảnh nhiều hơn, càng chụp bạn sẽ càng nhận thức được loại máy ảnh, ống kính và phụ kiện nào sẽ phù hợp với nhu cầu nhiếp ảnh của mình, cũng như biết được thời điểm thích hợp để nâng cấp.
2. Hãy đầu tư 1 chân máy ảnh tripod
Cũng giống như trên, bạn không cần phải đầu tư quá nhiều để mua 1 chân tripod xịn, chỉ cần 1 loại phù hợp túi tiền và vẫn chắc chắn là được. Vì sao cần 1 tripod? Tripod sẽ cực kỳ hữu ích để bạn có thể chụp ảnh ở tốc độ màn trập chậm mà không bị rung lắc hoặc thậm chí cũng có thể thử sức mình ở thể loại chụp ảnh phơi sáng dài (long exposure).
3. Hãy mang theo máy ảnh bên mình bất cứ lúc nào
Rất nhiều khoảnh khắc đẹp xuất hiện khi ta không ngờ đến. Và nếu lúc đấy bạn để quên máy ở nhà thì thật là một điều đáng tiếc vì chẳng còn gì có thể lưu lại những khoảnh khắc đáng giá đó. Thay vì cứ phải tiếc nuối, hãy luôn mang theo máy bên mình, nếu một chiếc DSLR quá nặng thì bạn có thể mang theo 1 chiếc máy compact nhỏ gọn cũng có thể đáp ứng được nhu cầu.
Hơn nữa, việc mang máy ảnh thường xuyên sẽ giúp bạn làm quen được với máy cũng như trao dồi kỹ thuật nhiếp ảnh nhiều hơn, từ đó kỹ năng chụp ảnh của bạn sẽ ngày càng được phát triển hơn. Nếu trường hợp xấu hơn, có nghĩa bạn không đem theo bất kỳ thiết bị nào, hãy tận dụng chiếc smartphone của mình để chụp, hoặc thậm chí có thể ghi chú lại khung cảnh và địa điểm này vào sổ để lần sau mang máy theo chụp nhằm có được bức ảnh chỉnh chu hơn.
4. Lập danh sách những nơi / đề tài mà bạn muốn chụp
Đặt trường hợp bạn bỏ quên máy ảnh ở nhà, hoặc đang đi công việc nào đó mà không thể mang máy ảnh theo, hãy luôn mang theo bên mình một cuốn sổ tay để ghi lại những địa điểm mà bạn muốn quay lại chụp. Chắc chắn rằng bạn đã ghi chú lại hết những thông tin quan trọng, chẳng hạn như độ chiếu sáng ở nơi đó thế nào, để từ đó có thể quay lại chụp vào một ngày khác hoặc khi thời tiết phù hợp với chủ đích muốn chụp.
Việc mang theo sổ cũng có thêm lợi ích vì khi đi ngang một chỗ nào đó thú vị và ý tưởng chụp theo đề tài nào đó được lóe lên trong đầu, đây chính là lúc để bạn ghi chú lại vào sổ để nhằm lên kế hoạch kỹ càng cho đợt chụp ảnh tại địa điểm này sắp tới.
5. Đừng phớt lờ những chủ thể quá đỗi bình thường trong nhiếp ảnh
Bạn có thể không thấy những thứ hay ho để chụp trong phòng khách hoặc ở sân nhà, nhưng hãy cứ thử nhìn rảo quanh một lần nữa theo một góc nhìn khác xem. Có thể bạn sẽ thấy được những thứ thú vị, chẳng hạn như hướng nắng độc đáo, hoặc những hoa dại trong sân nhà. Thường thì những chủ thể đơn giản nhưng lại vẫn có thể tạo ra những bức ảnh đẹp bất ngờ.
6. Hãy luôn tìm những thứ mới mẻ
Điều thú vị nhất ở bộ môn nhiếp ảnh là chẳng bao giờ hết đề tài để chụp, hãy luôn tìm tòi những thứ mới để nghiên cứu và chụp. Cảm hứng luôn nằm ở xung quanh bạn, hãy nhìn mọi thứ xung quanh thật kỹ, bằng ánh mắt của người chụp ảnh, và bạn sẽ tìm được cơ hội mới mà bạn trước đây chưa nhận ra được.
7. Tận dụng các nguồn ảnh miễn phí trên mạng để ngâm cứu và học hỏi
Ngày nay, ta không khó để kiếm những nguồn ảnh đẹp trên internet. Một trong những nguồn ảnh để tham khảo tốt nhất là Flickr hoặc 500px, thậm chí bạn có thể xem thêm các trang “tầm cỡ” hơn như Magnum hay National Geographic. Bên cạnh đó, hãy kiếm những trang ảnh hoặc sách ảnh của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng để học hỏi thêm.
8. Trải nghiệm các tùy chỉnh trong camera của bạn
Chiếc máy ảnh của bạn có thể có nhiều tính năng hữu ích mà bạn chưa biết đến, thay vì cứ chăm chăm vào việc đổi máy xịn hơn, tại sao không nghiên cứu chiếc máy hiện tại của mình và khám phá ra sức mạnh tiềm tàng bên trong nó?
Hãy thử chụp các chủ thể với nhiều tùy chỉnh khác nhau để tìm ra hiệu ứng mà mình yêu thích nhất, bên cạnh đó, khi xem lại ảnh trên máy tính bạn có thể nhìn lại thông số đã sử dụng thông qua thông tin EXIF của ảnh.
Việc mày mò các tùy chỉnh cũng là một cách rất hay để luyện tập kỹ năng chụp ảnh, cũng như khả năng thao tác với máy của bạn sẽ nhanh hơn do bạn đã dần hiểu kỹ hơn về chiếc camera này.
9. Hãy học những quy tắc cơ bản nhất trong nhiếp ảnh
Mọi thứ đều phải đi từ nền móng, muốn đi đến lớp nâng cao thì phải qua lớp vỡ lòng. Vì thế đừng ngại tìm kiếm các thông tin và bài học về nhiếp ảnh căn bản. Nếu đã quen với việc thao tác máy, hãy bắt đầu quan tâm đến bố cục trong nhiếp ảnh, tìm các bài viết hướng dẫn bố cục căn bản và nghiên cứu chúng.
Ngoài ra, hãy tìm đến những người chụp ảnh dày dặn kinh nghiệm để lắng nghe ý kiến cũng như học hỏi thêm các kỹ năng từ họ.
10. Chụp ảnh thường xuyên
Cố gắng chụp ảnh mỗi ngày nếu có thể. Nếu bạn không làm được việc này mỗi ngày, hãy chắc chắn rằng có thể sắp xếp được thời gian để luyện tập thường xuyên hơn, và vì thế bạn sẽ không quên những gì đã được học. Cũng như đã nói ở trên, càng chụp ảnh nhiều hơn thì kinh nghiệm cũng như kỹ năng của bạn sẽ càng được trau dồi và phát triển hơn.
11. Đừng ngại trải nghiệm
Nếu đang sử dụng máy ảnh kỹ thuật số, đừng ngại chụp vì chi phí cho những lỗi lầm là miễn phí. Hãy cứ chụp và đừng ngại trải nghiệm, đến một lúc nào đó bạn sẽ tìm được những thứ bạn thích, những phong cách ảnh phù hợp với bạn. Và bạn cũng sẽ học và rút kinh nghiệm được rất nhiều từ quá trình này.